Kinh nghiệm viết tiểu luận để xin học thạc sỹ ở Mỹ
Để tham khảo kinh nghiệm viết tiểu luận xin học bổng như thế nào, vấn đề viết như thế nào, bạn có thể lên mạng, vào Google hay Yahoo và gõ ‘statement of purpose’ để đọc và nghiên cứu một số bài.
Mình vừa đọc được bài viết này, nói về kinh nghiệm viết essay để xin học bổng. Mình nghĩ cái này cũng khá cần thiết đối với những ai đang ấp ủ ước mơ đi du học, xin học bổng
Trong hồ sơ xin học bổng của bạn, sơ yếu lý lịch, đơn xin học bổng, bảng điểm, chứng chỉ bằng cấp cũng như thư giới thiệu đều là những tài liệu khách quan mà bạn phải cung cấp cho trường Đại học nơi bạn muốn xin học bổng. Sơ yếu lý lịch gồm những thông tin về quá trình học tập và làm việc của bạn. Đơn xin học bổng đã có mẫu đơn sẵn cho bạn điền vào. Bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ là những bằng chứng cho thấy trình độ học vấn, hoa trái của những nỗ lực học tập của bạn trong quá khứ, còn thư giới thiệu (reference letter) hay thư tiến cử là do người khác viết, thường là những điều hay, về bạn.
Duy chỉ còn có bài Tiểu luận trình bày mục tiêu xin học bổng của bạn là hoàn toàn trong tay bạn, tuỳ thuộc 100% vào khả năng trình bày một cách thuyết phục của bạn. Vì vậy mà nó rất quan trọng. Các phần khác của hồ sơ xin học bổng cũng rất quan trọng nhưng bạn không được quên là còn có hàng trăm ứng sinh khác cũng nộp những sơ yếu lý lịch với những bằng cấp, chứng chỉ không thua gì bạn. Vậy bạn phải thuyết phục ban tuyển chọn là nếu họ trao học bổng cho bạn, họ sẽ không bao giờ phải tiếc nuối. Vì sao? Vì ngoài trình độ học vấn, bằng cấp, chứng chỉ, bạn còn có nhiều thứ khác nữa.
VAI TRÒ CỦA STATEMENT OF PURPOSE
Những thứ khác đó là gì? Là con người bạn, là cá tính riêng của bạn, là tài năng, óc sáng tạo, lòng hăng say học hỏi, là tầm nhìn sâu, rộng và xa của bạn, là kinh nghiệm tích tụ… và nhiều khía cạnh khác của con người bạn liên quan đến ngành hay lãnh vực bạn muốn xin học bổng để có cơ hội đào sâu và tiến xa hơn trong tương lai. Nói tóm lại, họ muốn biết bạn là ai và tại sao họ lại nên trao học bổng cho bạn.
Và đây chính là vai trò của Statement of Purpose của bạn. Vì vậy, nó có tính cách rất cá nhân, độc nhất vô nhị. Nó không được giống bất cứ một bài tiểu luận nào của người khác vì chính con người bạn là như vậy: unique, không có mẫu thứ hai.
Vì bạn phải cạnh tranh với nhiều người giỏi không thua, hay còn hơn cả bạn nữa, cho nên bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều thời giờ và sức lực cho bài tiểu luận này. Vậy bạn sẽ viết gì trong đó và viết như thế nào?
Vì là một ‘Statement of Purpose’ cho nên bạn phải chứng minh được là mình biết rất rõ tại sao mình muốn nhận được học bổng đó, ở trường Đại học đó chứ không ở một trường nào khác. Điều này có nghĩa là bạn phải tìm hiểu nhiều chừng nào tốt chừng nấy về học bổng cũng như về nơi bạn sẽ nghiên cứu học tập, nếu bạn được tuyển chọn. Bạn có thể tìm đọc các tài liệu quảng cáo, giới thiệu hay lên mạng tìm thông tin về học bổng cũng như về trường Đại học mà bạn đang nhắm đến.
Những hiểu biết này sẽ giúp bạn biết được ban tuyển chọn mong muốn tìm được những gì nơi ứng sinh mà họ cho là xứng đáng được nhận học bổng. Bạn sẽ dựa vào các thông tin này để biết mình sẽ phải nhấn mạnh vào phần nào, điểm nào trong quá trình và thành quả học tập hay kinh nghiệm làm việc của mình, nhằm thuyết phục ban tuyển chọn là học bổng rất thích hợp và cần thiết cho bạn trong lãnh vực học tập hay làm việc của bạn.
DETAILS, DETAILS, DETAILS
Bạn nhớ là phải tránh gây cho họ cảm tưởng là bạn là một con người nói lý thuyết chung chung. Vì vậy bạn phải luôn luôn đưa ra ví dụ cụ thể cho từng điều bạn trình bày về mình. Chẳng hạn như bạn muốn thuyết phục họ là bạn có một tài năng đặc biệt nào đó thì bạn phải kể một ví dụ cụ thể về một công trình hay một hành động chứng minh là bạn đã sử dụng kiến thức, tài năng đó trong một trường hợp có thật nào đó. Bạn nói bạn là một người có óc sáng tạo, biết suy nghĩ độc lập thi bạn phải đưa ra bằng chứng cụ thể là óc sáng tạo của bạn đã giúp bạn tìm được giải pháp cho một vấn đề nào đó trong lãnh vực học tập hay nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Ở đây thông tin của bạn càng cụ thể, càng chính xác chừng nào bạn càng dễ thuyết phục chừng nấy.
Nhưng bạn phải luôn luôn chân thật, không thể phịa được. Ban tuyển chọn thường gồm những người rất có kinh nghiệm, đã từng xem xét đơn của cả ngàn ứng sinh, cho nên họ rất nhạy bén trong việc nhận ra những gì là giả tạo, sáo rỗng và ảo tưởng. Vì thế mà bạn phải luôn luôn tìm cách chứng minh là những thành công trước đây của mình là có thật. Phải là người thật việc thật. Nếu bạn có bằng chứng cụ thể để gửi kèm theo hồ sơ xin học bổng thì bạn càng có sức thuyết phục hơn nữa.
Cuối cùng là vấn đề viết như thế nào? Dĩ nhiên là phải cho ban tuyển chọn thấy là ngoại ngữ của bạn rất chuẩn, bạn có đủ trình độ ngoại ngữ để học tập và nghiên cứu một một trường Đại học hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để đào tạo và huấn luyện.
Cách diễn tả của bạn phải chính xác, cụ thể và toát lên vẻ chân thật. Nên tránh dùng ngôn ngữ của cảm xúc ngay cả khi bạn nói về niềm hăng say, nỗi đam mê của mình cho một đề tài hay một lãnh vực nào đó. Hãy tỏ ra tinh tế và nhấn mạnh nhiều hơn vào hoa trái của niềm đam mê ấy.
Để tham khảo kinh nghiệm viết tiểu luận xin học bổng như thế nào, vấn đề viết như thế nào, bạn có thể lên mạng, vào Google hay Yahoo và gõ ‘statement of purpose’ để đọc và nghiên cứu một số bài.
Chắc chắn là việc suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tra cứu trước khi viết tiểu luận sẽ làm cho bạn rất mệt, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng bạn sẽ nhận được phần thưởng, ngay cả khi bạn còn đang chờ kết quả và chưa biết được mình có được chọn hay không. Đó là bạn biết và hiểu rõ hơn mình là ai.Và hiểu biết này thì luôn luôn hữu ích cho bạn, trên đường học vấn, sự nghiệp, cũng như trên đường đời nói chung.
Leave a Reply